Sức nóng điện mặt trời tại Khánh Hòa

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chấp thuận cho Công ty cổ phần năng lượng AMI Khánh Hòa thực hiện đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời có công suất thiết kế 50MWp tại thôn Vĩnh Đông và thôn Vĩnh Nam – xã Cam An Nam – huyện Cam Lâm. Cùng với 8 dự án nhà máy điện mặt trời quy mô lớn khác, 16 dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) kết hợp sản xuất nông nghiệp và 68 hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái đang được triển khai tại địa phương…, Khánh Hòa là một trong những điểm nóng của các dự án năng lượng tái tạo tại miền Trung.

Khánh Hòa có 9 dự án nhà máy điện mặt trời quy mô lớn được UBND tỉnh quy hoạch với tổng diện tích 795ha, tổng mức đầu tư 13.020 tỷ đồng trên địa bàn nhiều xã của huyện Cam Lâm, huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tập trung nhiều nhất ở huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh.

Đó là các dự án nhà máy điện mặt trời của các chủ đầu tư: Tổng công ty Điện lực miền Trung EVNCPC, Công ty cổ phần điện mặt trời Tuấn Ân, Công ty TNHH điện mặt trời KN Cam Lâm, Công ty TNHH đầu tư và phát triển điện mặt trời KN Vạn Ninh, Công ty TNHH Cam Lâm Solar, Công ty cổ phần năng lượng Long Sơn và Công ty cổ phần khai thác thủy điện Sông Giang. Trong đó, dự án Nhà máy điện mặt trời tại xã Cam An Bắc – huyện Cam Lâm, công suất 50MWp, mức đầu tư 1.373 tỷ đồng của Tổng công ty Điện lực miền Trung EVNCPC là một trong những dự án có quy mô lớn nhất và đang được gấp rút triển khai.

Sở dĩ hàng loạt các nhà máy điện mặt trời được hình thành và tập trung tại Cam Ranh và Cam Lâm là do Cam Ranh có độ bức xạ năng lượng mặt trời trung bình đo được đến 5,34kWh/m2/ngày, độ bức xạ tại khu vực Cam Lâm tuy thấp hơn nhưng vẫn ở mức cao so với các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh. Độ bức xạ năng lượng mặt trời là yếu tố đầu tiên được tính đến khi xem xét xây dựng các dự án nhà máy điện mặt trời. Bên cạnh đó, việc đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia tại địa phương một cách thuận lợi cũng là một yếu tố thu hút các nhà đầu tư quyết định triển khai các dự án tại Khánh Hòa.

Một mô hình mang lại hiệu quả cao trong việc khai thác quỹ đất là kết hợp sản xuất điện năng với sản xuất nông nghiệp (canh tác các loại cây trồng phía dưới các giàn solar quang năng). Tại Khánh Hòa, đây là một trong những cách làm mới và được các công ty trong nước quan tâm phát triển tại các vùng sâu vùng xa của tỉnh như các xã của huyện miền núi Khánh Vĩnh; các xã Ninh Xuân, Ninh Xiêm của thị xã Ninh Hòa. Dự kiến, đến 30/06/2019, 16 dự án điện mặt trời mái nhà kết hợp với trồng cây nông nghiệp sẽ đồng loạt đấu nối vào lưới điện trung áp của PC Khánh Hòa.

Theo số liệu thống kê từ Phòng Kinh doanh PC Khánh Hòa, đến 31/03/2019, đã có 68 khách hàng đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái ký hợp đồng lắp đặt công tơ điện 2 chiều và đăng ký bán điện cho Công ty từ nguồn điện mặt trời áp mái của gia đình với tổng công suất là 328kWp, sản lượng điện phát ngược lên lưới là 68.483 kWh. Điều này cho thấy, người dân Khánh Hòa đã sớm “bắt nhịp” được xu hướng sử dụng điện tiết kiệm kết hợp với kinh doanh từ nguồn điện năng lượng tái tạo khai thác tại hộ gia đình.

Về phía đơn vị, PC Khánh Hòa cũng tích cực làm việc với một số nhà cung cấp dịch vụ điện mặt trời để triển khai lắp đặt điện mặt trời tại các tòa nhà do đơn vị quản lý theo phương thức: Công ty cho các nhà cung cấp dịch vụ thuê mái nhà để thực hiện dự án và mua lại phần điện năng được sản xuất từ các mái nhà của Công ty.

Nhằm tạo điều kiện cho các khách hàng sử dụng điện trên địa bàn toàn tỉnh có thể tiếp cận nhiều hơn với các thông tin về chế độ, chính sách và những tiện ích khi sử dụng điện mặt trời, PC Khánh Hòa đã tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp phát tờ rơi tại các điểm giao dịch của Công ty.

Theo đó, 5000 tờ rơi tuyên truyền về hiệu quả của việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà đã được các điện lực trực thuộc PC Khánh Hòa gửi đến khách hàng sử dụng điện tại từng địa phương trong tỉnh. Tại Phòng kinh doanh Công ty, CBCNV được phân công thực hiện tư vấn các chế độ, chính sách liên quan đến điện mặt trời cho khách hàng thông qua điện thoại, email, trang facebook chăm sóc khách hàng của đơn vị.

Mặt khác, PC Khánh Hòa đã phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh tuyên truyền các tiện ích của điện mặt trời một cách rộng rãi đến CBCNV và người lao động đang công tác tại các doanh nghiệp cũng như các cơ quan hành chính sự nghiệp. Đây được xem là một trong những kênh truyền thông giúp chuyển tải thông tin rất hiệu quả đến từng người lao động.

Bên cạnh đó, hàng loạt tin bài, phóng sự quảng bá về các chính sách hỗ trợ khách hàng triển khai điện mặt trời trên các trang báo (điện tử, báo giấy), đài truyền hình địa phương, kênh truyền hình trung ương… đã mang lại hiệu quả truyền thông to lớn về chính sách của ngành điện đối với chủ trương đầu tư và khai thác điện mặt trời.

Với mục tiêu phát điện trước ngày 30/6/2019, các dự án điện mặt trời tại Khánh Hòa đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp đặt thiết bị phát điện, các hệ thống máy biến áp, đường dây truyền tải và đấu nối. Mới đây, vào ngày 25/04/2019, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung EVNCPC đã thị sát hiện trường Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung tại Khánh Hòa nhằm đốc thúc các đơn vị liên quan gấp rút hoàn tất các nội dung công tác để có thể phát điện đúng thời gian theo quy định.

Nguồn : pckhanhhoa.cpc.vn