Những năm gần đây, điện mặt trời trở nên phổ biến hơn khi nhiều người nhận ra được lợi ích của việc đầu tư hệ thống điện năng lượng sạch này. Đa phần các công ty lắp đặt hệ thống điện mặt trời hòa lưới, với ưu điểm độ bền và vận hành đơn giản, tự động hoàn toàn.
Tuy nhiên để hệ thống vận hành được ổn định và lâu bền thì ngoài việc chọn một nhà cung cấp uy tín lâu năm trên thị trường, chủ nhà/ chủ đầu tư cũng thường thắc mắc về việc vận hành, bảo trì bảo dưỡng hệ thống như thế nào cho đúng.
Hệ thống điện mặt trời hiện có thể chia thành 3 loại, loại dành cho mái nhà dân dụng (residential rooftop), mái nhà thương mại/ công nghiệp (comercial rooftop) và cánh đồng năng lượng mặt trời (solar farm). Tuy nhiên tùy thuộc vào mỗi hệ thống, mỗi vị trí lắp đặt có thể có những hướng dẫn khác nhau.
Thông thường, quy trình vận hành có thể được kiểm tra như sau:
Hằng ngày/ hàng tuần/ hàng tháng: thông thường các hệ thống điện mặt trời hiện nay đều được cung cấp kèm một hệ thống giám sát từ xa, do đó chủ nhà/ chủ đầu tư có thể theo dõi sản lượng điện sản xuất được mỗi ngày để biết được hệ thống của mình hàng ngày/ hàng tuần hoặc hàng tháng có sản xuất điện đều đặn không. Nếu có sản xuất điện đều đặn tức hệ thống đó là ổn định. Thông thường trong thời gian dưới 3 tháng thì không phải làm công tác gì để bảo dưỡng hệ thống điện mặt trời. Một số hệ thống đã lắp đặt từ lâu không có hệ thống giám sát từ xa này thì có thể xem trực tiếp trên màn hình bộ hòa lưới hoặc công tơ điện lắp cùng hệ thống. Không nhất thiết phải xem hằng ngày, nhưng khuyến cáo nên tối thiểu 1 tháng 1 lần kiểm tra lượng điện sản xuất được từ hệ thống của mình.
Hằng quý (3 tháng một lần): Hằng quý, nên kiểm tra xem giàn pin mặt trời có bị bụi bẩn bám nhiều quá không. Bản thân tấm pin mặt trời chất lượng cao cũng đã có lớp chống bám bụi trên bề mặt, cộng với việc lắp đặt tấm pin có góc nghiêng giảm bụi, vì vậy thông thường các khu vực trong thành thị thì hằng quý bụi không bám nhiều trên bề mặt pin, chỉ cần kiểm tra nếu bạn có thể chứ không quá lo lắng. Tuy nhiên có những khu vực bụi nhiều như gần nhà máy nhiệt điện, gần nhà máy bê tông, xi măng,… thì cũng sẽ gây bám bụi lên bề mặt tấm pin hơn mức bình thường, lúc đó cũng nên cho vệ sinh giàn pin nếu cần.
Ngoài ra một số khu vực lắp đặt ở vùng thấp, cây cối xung quanh có thể phát triển cao lên sau đó, thì cũng nên để ý xem cây cối có đổ bóng lên giàn pin mặt trời không, hoặc lá cây có rụng trên giàn pin không. Vì cây đổ bóng hoặc lá rụng trên giàn pin sẽ gây giảm hiệu suất pin đáng kể.
Hằng năm nếu có điều kiện thì nên kiểm tra các thông tin: Tấm pin mặt trời: như ở trên, tấm pin mặt trời cần được kiểm tra không có quá nhiều bụi bám, cây cối xung quanh che hoặc lá cây, rác nằm trên bề mặt tấm pin. Mỗi năm tối thiểu một lần nên kiểm tra để vệ sinh tấm pin nếu cần.
Kiểm tra ngoại quan hệ thống khung, dây dẫn, tủ điện vẫn còn trong tình trạng tốt. Nếu có thể thì kiểm tra thông số của bộ hòa lưới inverter, chắc chắn rằng xung quanh inverter không bị các thiết bị phát nhiệt khác lắp gần có thể gây nóng inverter hoặc làm giảm khả năng giải nhiệt của inverter.
Mỗi 5 năm: nên kiểm tra tổng thể toàn hệ thống, chú ý giàn khung không gỉ sét, dây dẫn không bong tróc, giàn pin sạch sẽ, các thiết bị trong tủ điện vẫn vận hành tốt. Kiểm tra sản lượng điện hàng năm, nếu có thiết bị đo thì có thể kiểm tra hoạt động của các cầu chì, CB, các đầu nối,… trong tủ điện. Tuy nhiên nếu sản lượng điện ổn định thì đa phần tủ điện và các thiết bị đang hoạt động tốt.
Việc vận hành, bảo trì bảo dưỡng hệ thống năng lượng mặt trời là việc rất quan trọng giúp nâng cao tuổi đời hệ thống và giảm thiểu đáng kể các hoạt động bảo hành, bảo trì hằng năm.