Tổng quan về nhà máy điện mặt trời Sông Giang

Dự án Nhà máy Điện mặt trời Sông Giang đã được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến 2035. Dự án có diện tích sử dụng đất khoảng 60ha, nằm tại xã Cam Thịnh Đông và Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh), công suất thiết kế 50MWp với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Sau khi đưa vào hoạt động, Nhà máy Điện mặt trời Sông Giang sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện hơn 80 triệu KWh/năm.

Nhà máy điện mặt trời bắt đầu khởi công từ tháng 11-2018 và đã ký hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Sau 6 tháng thi công, Nhà máy Điện mặt trời Sông Giang đã đưa vào đóng điện ngày 15-4-2019 và chính thức vận hành phát điện thương mại ngày 8-5-2019.

Nhà máy Điện mặt trời Sông Giang sử dụng công nghệ phát điện tiên tiến hiện nay của Nhà thầu EPC Waaree Energies Limited. Đây là một trong những công ty hàng đầu tại Ấn Độ, chuyên cung cấp các dịch vụ tổng thầu EPC cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là các dự án về lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời với công suất lên tới 1,5GW. Waaree đã thực hiện hơn 280 dự án điện mặt trời tại Ấn Độ và hơn 68 quốc gia trên thế giới.

Nhà máy Điện mặt trời Sông Giang đã đóng điện vào ngày 15-4-2019

Nhà máy lắp đặt 135.600 tấm pin loại đơn tinh thể để chuyển hóa trực tiếp năng lượng ánh sáng mặt trời thành điện năng. Công suất mỗi tấm pin là 365Wp, hiệu suất chuyển đổi là 18,81%. Đồng thời, xây dựng 9 trạm biến áp tăng áp 5MVA. Nhà máy được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia với phương án xây mới trạm biến áp nâng 22/110kV với thiết bị của ABB; xây dựng đường truyền tải chuyển tiếp vào trạm 110kV Nam Cam Ranh.

Ông Shiv Kumar Mishra – Quản lý dự án của Tổng thầu thi công Nhà máy Điện mặt trời Sông Giang cho biết: “Đây là một dự án tuyệt vời và đầy thách thức đối với chúng tôi. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do trời mưa nhưng chúng tôi đã hoàn thành dự án này trong thời gian kỷ lục. Để dự án có thể đi vào chạy thử, vận hành sớm hơn so với dự kiến, Tổng thầu EPC Công ty Waaree, các nhà thầu phụ: Toji, Thanh Nhân, Vạn Tường, EMETC, NT Power, TNC… và Công ty Cổ phần TVXD điện Đông Dương (đơn vị tư vấn), Công ty TNHH MTV TV và XD điện Khánh Việt (đơn vị giám sát thi công dự án) đã hợp tác nghiêm túc và nỗ lực hết sức mình để đẩy nhanh tiến độ, làm việc ngày đêm không ngừng. Nhà máy thực hiện công tác báo cáo đánh giá tác động môi trường và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nhà máy mang đến các lợi ích môi trường đáng kể cho phát triển bền vững so với các nguồn năng lượng truyền thống. Hệ thống quang điện là công nghệ an toàn đã được chứng minh là không tạo ra tiếng ồn và không gây ô nhiễm trong quá trình vận hành”.